Thám tử tư (tên tiếng Anh là Private Investigator) là người chuyên cung cấp các dịch vụ điều tra, theo dõi, thu thập thông tin, giám sát, xác minh các vụ việc một cách độc lập theo yêu cầu của khách hàng để nhận thù lao hay phí dịch vụ. Theo từ điển tiếng Việt, thám tử được định nghĩa là người làm việc dò xét.
Tại nhiều nước trên thế giới, nghề thám tử được xem là một ngành nghề được các nhà nước công nhận hợp pháp như các ngành nghề kinh doanh khác. Nhưng tại Việt Nam thì dịch vụ thám tử vẫn chưa được thừa nhận nhưng không cấm.
Tại Việt Nam, chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng cho ngành nghề kinh doanh dịch vụ thám tử. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, trong số ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh thì không có ngành nghề kinh doanh dịch vụ thám tử. Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, dịch vụ tìm kiếm thông tin cũng được quy định là một ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Song trong một khía cạnh khác, việc xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư của cá nhân theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 thì phải được sự đồng ý của người đó, ngược lại sẽ bị xem là xâm phạm đến bí mật đời tư nếu lấy bí mật đó xúc phạm danh dự nhân phẩm của các cá nhân đó.
Như vậy, rõ ràng pháp luật Việt Nam chưa có quy định thống nhất về dịch vụ thám tử, không cấm nhưng cũng ngầm chưa thừa nhận.
Tại các quốc gia trên thế giới, pháp luật đều có những quy định về điều kiện để hành nghề thám tử tư để giúp cho ngành nghề này hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật để đảm bảo quyền bí mật đời tư của công dân. Tại Mỹ, việc cấp giấy phép hành nghề thám tử tư rất chặt chẽ. Phải đáp ứng các tiêu chuẩn như lý lịch tốt, không tiền án tiền sự, không có các vấn đề tiêu cực về tài chính; kinh nghiệm hành nghề và phải có đạo đức nghề nghệp…
Không chỉ tại Mỹ, Pháp hay Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới đều có những quy định để hành nghề thám tử tư. Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia cũng cho thấy sự cần thiết của ngành nghề này đối với xã hội.
Dịch vụ thám tử giúp giải quyết được nhiều vấn đề cho khách hàng đặc biệt là trong quá trình tìm kiếm chứng cứ, nhân chứng quan trọng cho các văn phòng luật sư hay là trong các vấn đề liên quan đến gia định như tìm hiểu các mối quan hệ không trong sáng của vợ chồng, các mối quan hệ đang ngờ của con cái, người thân, tìm kiếm người mất tích, tìm hiểu về “một nửa” trước khi tiến đến hôn nhân… Ngoài ra, thám tử còn hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp ví dụ như trong việc tìm kiếm, xác minh các thông tin để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái, bí mật kinh doanh; tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh, tìm hiểu đối tác trước khi hợp tác kinh doanh; tìm hiểu các giao dịch đang ngờ của nhân viên công ty…
Tại Việt Nam, các văn phòng, công ty thám tử hiện đang mọc lên ngày càng nhiều cho thấy nhu cầu tìm kiếm đến dịch vụ thám tử ngày càng cao. Tuy nhiên, ràng cản lớn nhất vẫn là vấn đề về pháp luật. Dựa trên nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay, pháp luật Việt Nam cần có một hành lang pháp lý rõ ràng với những điều kiện kinh doanh hợp lý cho nghề thám tử.