0968.266.266

Văn hoá nhận hoa hồng, khoản lót tay hoặc lại quả tại Việt Nam

Người Việt Nam có văn hoá “uống nước nhớ nguồn”. Theo đó, phàm mình đã nhận được giúp đỡ, lợi ích hoặc chiếu cố từ người khác thì phải ghi nhớ và có hình thức trả ơn phù hợp. Trong lĩnh vực kinh doanh, tư tưởng này thậm chí còn được ứng dụng triệt để trong kinh doanh nơi mà người ta kiếm tiền là mục đích và các khoản hoa hồng, lót tay hoặc lại quả là một hình thức trả ơn hiệu quả và phù hợp nhất.

Dường như việc đưa và nhận hoa hồng, khoản lót tay hoặc lại quả tại Việt Nam nói chung và trong các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đã là một tập quán, một nét văn hoá kinh doanh. Một thứ văn hoá mà ở đó người ta truyền miệng nhau câu nói “NHẤT QUAN HỆ, NHÌ TIỀN TỆ, THỨ BA MỚI LÀ TRÍ TUỆ”. Mà để chăm sóc một mối quan hệ người ta lại dùng tiền tệ để làm công cụ chính.

Trong kinh doanh người ta có tâm lý chung là người khôn phải người biết chăm sóc và tận dụng tối đa các mối quan hệ và thực tế là các mối quan hệ sân sau đã đem lại lợi thế rất lớn cho các chủ doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, về mặt dài hạn, việc quá dựa dẫm vào các mối quan hệ và các tiểu xảo (sở đoản) đã khiến các doanh nghiệp quên rằng để tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp phải tập trung vào xây dựng giá trị riêng của mình (đầu tư vào sở trường – phải tạo ra các giá trị khác biệt hoặc nếu không, phải cạnh tranh được về giá thành sản phẩm).

Thực trạng nêu trên đã góp phần lý giải tại sao tuyệt đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tại sao mà người ta cứ phải bơi trong ao làng mà không thể nào vươn ra biển lớn. Người ta không chịu lớn, không chịu phủ định chính mình, không chịu làm mới mình mà chỉ chăm chăm đặt cược số phận doanh nghiệp mình vào các mối quan hệ, đi đêm với nhau.

Cũng ngay tại thị trường Việt Nam mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với hệ thống quản trị tốt người ta vẫn sống được, sống khoẻ trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại sống vật vờ, chật vật. Điều đó bởi vì trong văn hoá quản trị hiện đại, người ta kiên quyết nói không hoặc không thoả hiệp với các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức, quản lý và vận hành công ty.

Người ta đã tạo ra được một môi trường mà ở đó, công ty có các chính sách rất rõ ràng và có thể định lượng được về hầu hết mọi khía cạnh, trong đó bao gồm chính sách nói không với hối lộ, chống tham nhũng, lót tay, lại quả… Người ta làm như vậy bởi vì người ta cho rằng muốn xây dựng một tổ chức tốt không thể để các gen xấu xâm nhập vào cơ thể tổ chức, không thể để các biểu hiện tiêu cực đơn lẻ qua một vài năm trở thành bệnh mãn tính và sau đó phát triển thành tế bào ung thư trong tổ chức.

Những ông lớn khổng lồ về công nghệ họ dành hết tâm huyết, nguồn lực và trí tuệ vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Để không bị tụt hậu, họ thường xuyên và liên tục tung ra các bản vá lỗi phần mềm, định kỳ tung ra các sản phẩm mới với nhiều tính năng vượt trội để phủ định các sản phẩm đời cũ. Hay nói cách khác các công ty đó luôn cố gắng phủ định chính mình để trở thành số một trên thị trường. Có thể dùng hình ảnh minh hoạ con rắn thường xuyên tự lột bộ da cũ để lớn lên.

Về mặt vận hành, các doanh nghiệp có hệ thống quản trị nội bộ tốt thường có cơ chế giám sát chặt chẽ, hiệu quả và có các biện pháp chế tài tương ứng với mức độ vi phạm dựa trên các trình tự, thủ tục, quy trình rõ ràng và minh bạch.

Nhận thức được sự khác biệt trong văn hoá quản trị công ty của các công ty có hệ thống quản trị hiện đại được du nhập từ nước ngoài và các công ty thuần Việt Nam liên quan đến khía cạnh cho và nhận hoa hồng, lại quả hoặc lót tay có thể thúc đẩy các nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh lại tầm nhìn chiến lượt và có những giải pháp cụ thể để đưa doanh nghiệp mình phát triển vững mạnh.

Thám tử DW

Các bài viết có liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.